Nằm lọt thỏm giữa rừng xanh cao nguyên bạt ngàn, ngôi nhà thờ gỗ với tuổi đời hàng thế kỷ luôn là niềm tự hào của người dân vùng Kon Tum. Bạn có thể đến thăm nhà thờ gỗ Kon Tum vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Nếu đến vào mùa hoa đậu nở, trên đường tới nhà thờ bạn sẽ gặp sắc hồng, sắc trắng của những con đường hoa làm lộng lẫy thêm vẻ đẹp của Kon Tum.
Ảnh: vietnamtourism
Công trình được làm hoàn toàn bằng một loại gỗ đặc trưng nơi đây với tên gọi là gỗ cà chít, còn các bức tường, vách được làm bằng đất trộn rơm, không dùng bê tông cốt thép kể cả vôi vữa để sơn trét. Hệ thống cột gỗ, rui mè trong nhà thờ tuy không chạm khắc tỉ mỉ, công phu nhưng chính những hoa văn với những đường nét mạnh mẽ, phóng khoáng đã thể hiện được nét văn hóa của đồng bào bản địa Tây Nguyên.
2. Sông Đắk Bla
Ảnh: tintaynguyen
Sông Đắk Bla trong lòng người dân Kon Tum là dòng sông mang tính biểu tượng bởi vì không có sông Đắk Bla thì không có Kon Tum, xét về mặt lịch sử cũng như địa lý.
Ảnh: Panoramio
Đến phố núi Kon Tum, bạn sẽ ngỡ ngàng với hình ảnh dòng sông Đắk Bla như một dải lụa mềm uốn lượn điệu đà ôm gọn thành phố Kon Tum bé nhỏ, và sẽ thật ấn tượng khi nhìn thấy giữa vùng sông nước Đắk Bla bao la rộng lớn, những chiếc thuyền độc mộc như những chiếc lá rừng lững lờ trôi trên sông.
3. Cầu treo Kon Klor
Ảnh: car4rent
Cầu treo Kon Klor thuộc địa phận làng Kon Klor, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Đây là chiếc cầu treo bằng sắt to đẹp nhất khu vực Tây Nguyên, nối liền hai bờ của dòng sông Đắk Bla. Bao quanh Kon Klor là những ngọn núi được bao phủ bởi những nương dâu xanh rì. Cầu Kon Klor đã bắt nhịp đôi bờ sông đưa mọi người đến gần nhau hơn, chiếc cầu được đưa vào sử dụng thì cũng chấm dứt luôn những chuyến đò ngang bằng xuồng độc mộc đã từng xuôi ngược bao năm qua.
Ảnh: Le Anh Tuyen
Đến đây, bạn có thể ghé thăm làng dân tộc Bah Nar – Kon Klor, cùng uống với họ can rượu cần rồi lên đường vượt dòng sông qua cầu treo để đến một vùng đất phù sa trù phú. Đó là những vườn chuối, vườn cà phê và các loại cây ăn quả. Vượt con đường quanh co khoảng 6km sẽ đến làng Kon K’tu, một làng dân tộc Bah Nar còn giữ nguyên được những nét sinh hoạt và cảnh vật thiên nhiên hoang sơ.
4. Rừng thông Măng Đen
Ảnh: samtuoingoclinh
Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển trong vành đai khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình năm từ 18 đến 20ºC nên Măng Đen được mệnh danh là “Đà Lạt thứ hai” của Tây Nguyên.
Nơi đây có nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú, rừng nguyên sinh chiếm hơn 80% diện tích rừng tự nhiên; là nơi lưu giữ nhiều loài động thực vật có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như: thông đỏ, pơ mu, trầm gió… cùng các loại dược liệu quý như: hồng đẳng sâm, ngũ vị tử, cốt toái bổ, lá kim cương, mật ong rừng; ngoài ra, còn có khoảng 4.000 ha rừng thông là nơi lý tưởng để bạn cắm trại, picnic.
5. Thác Pa Sỹ
Ảnh: ST
Khu du lịch sinh thái thác Pa Sỹ nằm trên địa phận làng Kon Tu Rằng của người Rơ Mâm, xã Măng Cành, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, cách trung tâm huyện Kon Plong 6km về phía Tây Bắc. Khu du lịch sinh thái thác Pa Sỹ mang một vẻ đẹp hoang sơ với những cánh rừng thông nguyên sinh và hệ thống thác, hồ. Khí hậu nơi đây trong lành, mát mẻ quanh năm.
Ảnh: haisontra
Nằm ở trung tâm khu du lịch là thác Pa Sỹ nằm ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển. Thác được hình thành từ 3 ngọn suối lớn nhất ở Măng Đen, nên được gọi là Pau Suh, theo tiếng dân tộc Rơ Mâm có nghĩa là 3 nguồn suối chụm lại thành một dòng. Sau này tên thác được đọc chệch đi thành Pa Sỹ.
6. Ngã Ba Đông Dương
Đi đến Bờ Y, tìm về ngã ba Đông Dương – điểm đến nổi tiếng của Kon Tum, “khoái” nhất vẫn là vượt bằng xe máy, cảm giác được tự do tự tại, tự mình khám phá ra nhiều điều ở miền đất Tây Nguyên nắng gió này.
Ảnh: Panoramio
Khi đặt chân lên vùng biên qua những bậc thang là chạm tay vào cột mốc làm bằng đá hoa cương, cao 2 m, nặng gần 900kg, được đặt trên độ cao 1.086 m là một trong hai cột mốc biên giới ghi danh ba quốc gia Lào – Việt Nam – Campuchia. Cột mốc hình tam giác, mỗi mặt quay về phần lãnh thổ của quốc gia đó với hình quốc huy trang trọng.
Ảnh: mapio
Khi đã chinh phục được đỉnh cao, chạm tay vào biên giới thì bạn có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn bộ vùng ngã ba Đông Dương trù phú, xanh tươi ngút ngàn. Cảm giác chinh phục được đỉnh cao, tận mục sở thị cột mốc ba mặt có một không hai luôn là điều thích thú với nhiều khách du lịch.
7. Núi Ngọc Linh
Ảnh: denhatsam
Được ví như là mái nhà của miền Nam, dãy núi Ngọc Linh là khối núi cao nhất miền Nam Việt Nam, nằm trên dải Trường Sơn, là một phần của Trường Sơn Nam. Dãy núi Ngọc Linh nằm ở độ cao khoảng 300m – 2.600m. Vì thế, hệ núi này chứa đựng rất nhiều hình thái đa dạng đặc trưng của khí hậu vùng nhiệt đới.
Ảnh: taidanang
Đặc biệt, trong dãy Ngọc Linh có loài nhân sâm nổi tiếng Việt Nam mang tên sâm Ngọc Linh mọc tập trung ở các huyện miền núi Ngọc Linh thuộc Kon Tum và Quảng Nam ở độ cao 1.500m đến 2.100m.
8. Vườn quốc gia Chư Mom Ray
Ảnh: ST
Vườn Quốc gia Chư Mom Ray được hình thành trên cơ sở Khu bảo tồn thiên nhiên Chư Mom Ray với diện tích trên 56.000ha. Vườn Quốc gia Chư Mom Ray có tính đa dạng sinh học cao nhất trong hệ thống các vườn quốc gia trên cả nước và là vườn quốc gia duy nhất của Việt Nam tiếp giáp với hai nước bạn Lào và Campuchia.
Ảnh: ST
Đến với Chư Mom Ray, bạn không những có dịp được khám phá nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, tham quan một số địa danh du lịch hấp dẫn như: đường Trường Sơn, địa danh H 67 – căn cứ địa của bộ đội Tây Nguyên anh dũng với đồi Sạc Ly, sân bay Phượng Hoàng, cửa khẩu quốc tế Bờ Y, thuỷ điện Yaly… mà còn có dịp được tìm hiểu thêm về phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc nơi đây.